- Điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về một người lao động được giao kết nhiều Hợp đồng lao động
Bộ luật Lao động năm 2012 không có quy định một người lao động được giao kết nhiều Hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 (Điều 19) đã bổ sung quy định người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; nhưng khi ký kết các Hợp đồng lao động đó, người lao đồng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết của từng Hợp đồng.
Mặc dù đây là điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019, nhưng thực chất quy định này đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 (Điều 30).
- Khi một người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động thì việc tham gia bảo hiểm sẽ như thế nào?
Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Vậy, khi một người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì việc đóng bảo hiểm như thế nào?
Theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì việc tham gia bảo hiểm của người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động được thực hiện như sau:
+ Người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
+ Đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Xem thêm
- ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VỀ THỜI HIỆU CHIA THỪA KẾ ĐỐI VỚI BẤT ĐỘNG SẢN - 18/08/2023 08:18
- Những quy định cần biết về thời hiệu - 26/02/2021 08:18
- So sánh Trợ cấp thất nghiệp, Trợ cấp thôi việc, Trợ cấp mất việc làm - 26/02/2021 07:30
- Một số từ vựng tiếng Anh chuyên ngành luật thông dụng - 05/10/2019 04:15
- DANH SÁCH VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA - 13/09/2019 20:54