* Trợ cấp thất nghiệp và Trợ cấp thôi việc đều là khoản trợ cấp khi người lao động nghỉ việc.
Khác nhau ở chỗ:
- TCTN bắt đầu áp dụng từ 01/01/2009 theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP và tính từ thời điểm người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp. Còn TCTV áp dụng cho khoảng thời gian trước đó khi Nghị định 127/2008/NĐ-CP chưa có hiệu lực và cho khoảng thời gian người lao động chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- TCTN do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, còn TCTV thì do người sử dụng lao động chi trả.
- Người lao động muốn hưởng TCTN phải đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc: NLĐ đóng 1%, NSDLĐ đóng 1%.
- Người lao động muốn hưởng TCTN phải nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm trong vòng 03 tháng kể từ ngày thất nghiệp.
Như vậy, lưu ý:
- Người lao động ký hợp đồng lao động từ sau ngày 01/01/2009 thì phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp và sẽ được hưởng TCTN cho khoảng thời gian đóng BHTN.
- Nếu thời gian lao động có cả thời gian đóng BHTN và thời gian không đóng thì NSDLĐ sẽ trả TCTV cho thời gian không đóng, còn cơ quan bảo hiểm sẽ trả cho thời gian có đóng BHTN.
- Người lao động nước ngoài không được tham gia BHTN, vì vậy khi nghỉ việc họ chỉ được NSDLĐ chi trả TCTV nếu đủ điều kiện.
- Nếu không tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định thì NSDLĐ phải chi trả TCTV cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc.
- Có một điều lạ là trong một số trường hợp người lao động xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ có lợi hơn là nghỉ hưu đúng tuổi. Vì khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật trước tuổi nghỉ hưu thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp, còn chờ đủ tuổi về hưu mới chấm dứt hợp đồng lao động thì lại không được nhận hai khoản này nữa. Do đó nhiều người lao động biết luật thường xin nghỉ trước tuổi hưu vài tháng, khi đó họ được hưởng những khoản trợ cấp rất lớn do thâm niên làm việc đã nhiều, đồng thời vài tháng sau vẫn có thể đăng ký để được hưởng chế độ hưu trí.
* Trợ cấp mất việc làm: là trợ cấp mà người sử dụng lao động trả cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động có sự thay đổi về cơ cấu, công nghệ hay vì lý do kinh tế hoặc sát nhập, hợp vốn, chia tách doanh nghiệp, không thể giải quyết việc làm mới cho người lao động. Mức trợ cấp mất việc là 01 tháng lương cho mỗi năm làm việc, tối thiểu phải là 2 tháng lương. (chi tiết xem Điều 47 Bộ luật lao động).
Lưu ý:
- Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm chỉ có thể do NSDLĐ chi trả và chỉ trong các trường hợp sau:
+ Người lao động đã làm việc từ trước ngày 01/01/2009 thì NSDLĐ sẽ phải trả Trợ cấp thôi việc hoặc Trợ cấp mất việc làm từ ngày người lao động làm việc cho đến ngày 01/01/2009.
+ NSDLĐ không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ hoặc đóng không đủ.
+ NLĐ là người nước ngoài.
- Khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định thì Trợ cấp thôi việc hay Trợ cấp mất việc làm đều sẽ được coi là Trợ cấp thất nghiệp và được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, người sử dụng lao động không phải chi trả nữa.
Bộ luật Lao động 2019
Điều 46. Trợ cấp thôi việc
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 47. Trợ cấp mất việc làm
- Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 169. Tuổi nghỉ hưu
- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Luật việc làm 2013
Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.
- Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
- Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mục 3
TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Điều 51. Bảo hiểm y tế
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
ĐỌC THÊM
Nghỉ hưu trước tuổi được hưởng những loại trợ cấp nào?
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi đã đóng bảo hiểm 33 năm theo năm công tác, tính tuổi hưu thì tôi còn 9 tháng nữa mới đủ 56 tuổi, nhưng nay tôi muốn tự nguyện xin nghỉ việc. Như vậy chế độ hưu trí có bị giảm trừ do chưa đủ tuổi không?. Và nếu xin nghỉ trước 10 tháng tôi có được lãnh tiền gì không ạ?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn, trường hợp bạn hỏi chúng tôi tư vấn như sau:
- Trường hợp một: Bạn nghỉ việc trước khi đủ điều kiện 9 tháng nhưng chưa làm thủ tục về hưu, bạn nghỉ việc đợi đủ tuổi về hưu. Trường hợp này, bạn có thể đươc hưởng các khoản trợ cấp sau:
Thứ nhất, trợ cấp thôi việc.
Khi bạn chấm dứt hợp đồng đúng quy định pháp luật và chưa đủ điều kiện về hưu, bạn được đơn vị sử dụng lao động thanh toán trợ cấp thôi việc. Mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Theo quy định của pháp luật, từ 01/2009 đơn vị sử dụng từ 10 người lao động trở lên buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bạn lấy thời gian thực tế bạn đã làm việc trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được thanh toán trợ cấp thôi việc.
Tiền lương thanh toán trợ cấp thất nghiệp, nếu bạn là người lao động trong đơn vị ngoài nhà nước, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc. Nếu bạn là công chức, viên chức thì tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương tháng liền kề gồm: mức lương theo ngạch bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu tiền lương (nếu có).
Thứ hai, về trợ cấp thất nghiệp.
Khi nghỉ việc, nếu bạn là người lao động hoặc viên chức, nếu đáp ứng điều kiện bạn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ ba, về chế độ hưu trí. Khi bạn hưởng xong hai chế độ trên, bạn có thể làm thủ tục về hưu đúng tuổi.
- Trường hợp hai: Bạn xin nghỉ việc tại đơn vị, sau đó tự đi giám định sưc khỏe để về hưu khi còn thiếu 09 tháng tuổi thì bạn sẽ chỉ được giải quyết chế độ hưu trí.
Khoản 3 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định "Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi".
>> Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi 2014 và mức hưởng lương hưu
Bạn về hưu khi còn thiếu 09 tháng tuổi nên bạn sẽ sẽ giảm trừ mức hưởng là 1%.
Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
-
Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
-
Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
-
Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
-
Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-
Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
-
Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
-
Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
-
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
-
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
-
Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
-
Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
-
Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Xem thêm
- Một số từ vựng tiếng Anh chuyên ngành luật thông dụng - 05/10/2019 04:15
- DANH SÁCH VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA - 13/09/2019 20:54
- QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU - 06/09/2019 13:56
- THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ - 02/09/2019 19:11
- Chứng thực các giao dịch về nhà đất tại xã, phường, nên hay không? - 18/11/2016 00:33